Thông qua việc gây áp lực và tiến hành ngoại giao con thoi, Mỹ đã góp phần thúc đẩy Ấn Độ và Pakistan đối thoại và cùng lùi bước khỏi nguy cơ chiến tranh.
Căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan đã bùng phát thành xung đột vũ trang vào rạng sáng 7/5, khi quân đội Ấn Độ phát động chiến dịch tấn công các “cơ sở khủng bố” bên trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát. Động thái này được cho là nhằm đáp trả vụ xả súng ngày 22/4 gần thị trấn Pahalgam khiến 26 người thiệt mạng.
Pakistan tuyên bố đã bắn rơi 5 tiêm kích cùng một máy bay không người lái của Ấn Độ trong một trận không chiến ác liệt nhất giữa hai nước, với sự tham gia của hơn 120 máy bay chiến đấu. Những ngày tiếp theo, cả hai bên liên tiếp tiến hành các cuộc tập kích vào khu vực sát biên giới, làm gia tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện.
Sau bốn đêm căng thẳng leo thang, tình hình đã có bước chuyển ngày 10/5 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo rằng Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý thiết lập “lệnh ngừng bắn toàn diện”, có hiệu lực ngay lập tức. Ông cho biết thỏa thuận đạt được sau một đêm đàm phán căng thẳng, với Mỹ đóng vai trò trung gian.
Giới quan sát ngoại giao từ cả Ấn Độ và Pakistan, sự can thiệp của Washington đã tạo ra một lối thoát phù hợp cho hai quốc gia hạt nhân ở khu vực Nam Á.
“Cả Ấn Độ và Pakistan đều mong muốn một lệnh ngừng bắn, nhưng không bên nào chủ động đề xuất trước do yếu tố tự tôn dân tộc và cái tôi của các nhà lãnh đạo. Mỹ đã đóng vai trò tạo điều kiện giúp hai nước đạt được thỏa thuận này mà không bên nào cảm thấy bị tổn hại danh dự”, nhà nghiên cứu Husain Haqqani thuộc Viện Hudson (Mỹ) chia sẻ với DW.
Theo tờ Washington Post, Mỹ dường như bắt đầu triển khai các nỗ lực ngoại giao từ ngày 8/5, khi Ngoại trưởng Marco Rubio có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif.
Một nhóm quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm Phó tổng thống JD Vance, Ngoại trưởng Rubio và Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles, liên tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Đến sáng 9/5, nhóm này nhận được một nguồn tin tình báo “đáng lo ngại”, theo CNN dẫn lời các quan chức Mỹ.
Dù nội dung cụ thể của thông tin tình báo không được tiết lộ, nhưng phát biểu ngày 12/5 của Tổng thống Trump phần nào hé lộ mức độ nghiêm trọng: “Chúng tôi vừa ngăn chặn một cuộc xung đột hạt nhân,” ông nói.
Diễn biến này khiến ông Vance, ông Rubio và bà Wiles thống nhất rằng Washington cần gia tăng vai trò trung gian. Phó tổng thống Vance đề xuất liên lạc trực tiếp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và lập tức báo cáo kế hoạch này với Tổng thống Trump. Cuộc gọi được thực hiện ngay trong trưa hôm đó.
Trong cuộc điện đàm, ông Vance nói rõ với Thủ tướng Modi rằng Nhà Trắng lo ngại căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan có thể leo thang nghiêm trọng vào cuối tuần. Phó tổng thống Mỹ kêu gọi ông Modi xem xét các biện pháp hạ nhiệt tình hình và chủ động liên hệ với phía Pakistan.
Thời điểm đó, các quan chức Mỹ nhận định cả Ấn Độ và Pakistan đều không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, và Washington cần phải gây áp lực để thúc đẩy hai bên chấp nhận đối thoại.
Ông Vance cũng đề xuất một phương án thoái lui mà theo đánh giá của giới chức Mỹ, phía Pakistan có khả năng chấp nhận, theo nguồn tin tiết lộ. Việc Phó tổng thống tham gia vào quá trình hòa giải gây bất ngờ, bởi chỉ một ngày trước đó, chính ông từng bác bỏ khả năng Mỹ can dự ngoại giao vào xung đột Ấn Độ – Pakistan, cho rằng đây “không phải chuyện của Mỹ”.
Trong vòng 12 đến 18 giờ sau cuộc gọi của ông Vance, các nhà ngoại giao Mỹ đã liên tục liên lạc xuyên đêm với những người đồng cấp từ Ấn Độ và Pakistan. Khi đó, tình hình trên thực địa tiếp tục leo thang với các cuộc tập kích qua lại giữa hai nước nhằm vào các mục tiêu quân sự. Ngày 10/5, Pakistan tuyên bố mở chiến dịch Bunyanun Marsoos, tấn công hàng loạt căn cứ không quân chiến lược của Ấn Độ.

Giới chức Islamabad cho biết đây cũng là thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Rubio liên hệ với Tư lệnh Lục quân Pakistan, tướng Asim Munir người được các chuyên gia đánh giá là nhân vật có khả năng định hình cục diện căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan.
“Theo tôi, điểm mang tính bước ngoặt chính là cuộc trao đổi giữa ông Rubio và tướng Munir”, ông Idrani Bagchi, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Trung tâm Ananta Aspen tại Ấn Độ, nói.
Ông Rubio sau đó đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar. Trao đổi với kênh Geo News, ông Dar cho biết phía Mỹ đã kêu gọi Pakistan kiềm chế cả Ấn Độ và Pakistan đều là quốc gia hạt nhân và cộng đồng quốc tế không muốn chứng kiến một cuộc xung đột như vậy.
“Tôi nói rõ rằng lúc này quyền quyết định nằm ở phía Ấn Độ,” ông Dar chia sẻ lại nội dung trao đổi với Ngoại trưởng Rubio. Ngay sau đó, ông Rubio cũng gọi điện cho Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar.
Khoảng vài giờ sau, vào lúc 15h30 theo giờ Nam Á, Tổng cục trưởng Tác chiến Quân sự Pakistan đã gọi điện cho người đồng cấp phía Ấn Độ, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri. Tuy nhiên, một quan chức Pakistan phủ nhận thông tin rằng Islamabad là bên chủ động trước.
Bất chấp việc bên nào chủ động liên hệ, sau cuộc điện đàm, hai bên đã thống nhất chấm dứt toàn bộ hoạt động quân sự trên bộ, trên biển và trên không kể từ 17h cùng ngày, theo tuyên bố của ông Misri tại buổi họp báo tối 10/5.
Ông Rubio được cho là đã nhanh chóng liên hệ với các quan chức trong khu vực ngay sau khi xảy ra đụng độ, nhằm tìm kiếm một định hướng chung cho việc thiết lập lệnh ngừng bắn. Theo một nguồn tin, chính những cuộc gọi này đã giúp Washington hình dung được các kịch bản thoái lui khả thi cho cả hai bên, đồng thời truyền đạt thông điệp và tạo kết nối để đạt được kết quả hiện tại.
“Mỹ đóng vai trò không thể thay thế. Thành quả này sẽ không thể đạt được nếu không có nỗ lực từ Ngoại trưởng Rubio”, ông Ashley J. Tellis, chuyên gia thuộc Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, chia sẻ với BBC.
Một số ý kiến cho rằng chính cuộc điện đàm giữa Phó tổng thống Vance và Thủ tướng Modi mới là yếu tố quyết định. Trước đó, vào tháng 4, ông Vance đã đến thăm Ấn Độ và có cuộc gặp trực tiếp với ông Modi.
Cựu đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc, bà Maleeha Lodhi chuyên gia về quan hệ quốc tế cũng đồng quan điểm với ông Tellis. Bà cho rằng Mỹ đã đóng vai trò trung gian trong việc chấm dứt mọi cuộc khủng hoảng giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ năm 1999.
Theo các chuyên gia, dù đôi bên tiếp tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, Ấn Độ và Pakistan nhiều khả năng sẽ không để thỏa thuận đổ vỡ trong thời gian ngắn, vì điều đó không mang lại lợi ích cho bất kỳ phía nào.
“Còn nhiều việc cần làm để ngăn chặn khủng hoảng tái bùng phát. Đây cần là ưu tiên hàng đầu không chỉ của Ấn Độ và Pakistan, mà cả của Mỹ và các đối tác quốc tế đang hỗ trợ nỗ lực này”, bà Elizabeth Threlkeld, Giám đốc bộ phận Nam Á tại Trung tâm Stimson, đánh giá.
“Tôi tin rằng nếu xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân khốc liệt, hàng triệu người sẽ thiệt mạng. Vì vậy, tôi rất tự hào khi đã ngăn chặn được điều đó,” Tổng thống Trump phát biểu ngày 12/5.