Theo các chuyên gia Mỹ, việc chính quyền Trump triển khai các biện pháp thuế đối ứng sâu rộng có thể khiến các đồng minh và đối tác ngày càng giảm niềm tin, từ đó làm suy yếu vị thế của Washington trên thế giới.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp dụng mức thuế nhập khẩu mới đối với hơn 180 đối tác thương mại. Theo chính sách này, khoảng một nửa số quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ chịu mức thuế phổ thông là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Những đối tác thương mại lớn hơn của Mỹ sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn, có thể lên tới 50%, bắt đầu từ ngày 9/4.
Trong nhóm các nền kinh tế chịu tác động nặng nề, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ bị áp mức thuế 20% theo kế hoạch mới. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải gánh thêm 34% thuế bổ sung, nâng tổng mức thuế lên 54% so với hiện tại.
Khu vực châu Á cũng nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng mạnh từ chính sách thuế mới do Tổng thống Mỹ đưa ra. Mức thuế áp dụng đối với Nhật Bản và Ấn Độ được dự báo vượt ngưỡng 20%, trong khi các nước như Việt Nam, Campuchia, Bangladesh và Sri Lanka có thể phải gánh chịu mức thuế còn cao hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng động thái áp thuế lần này của ông Trump đối với các đối tác thương mại sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và một số đồng minh chiến lược, đồng thời có nguy cơ làm suy giảm vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington và góp phần tái định hình cán cân kinh tế thế giới.
“Quy mô và phạm vi của các biện pháp thuế lần này là khá lớn. Đây thực sự là kịch bản tồi tệ nhất đối với những người ủng hộ thương mại tự do,” giáo sư Eswar Prasad từ Trường Dyson thuộc Đại học Cornell (Mỹ) nhận định. “Tổng thống Trump đang mở ra một thời kỳ mới, nơi mà xu hướng bảo hộ thương mại có thể lan rộng trên phạm vi toàn cầu.”
Trong khi đó, Mexico và Canada hai đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ sẽ không bị áp thêm bất kỳ mức thuế nào ngoài những loại thuế đã được công bố trước đó. Các mặt hàng này bao gồm ô tô nhập khẩu, linh kiện xe hơi, thép, nhôm cùng một số hàng hóa khác nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA).
Công ty phân tích dữ liệu Exiger nhận định rằng chính sách thuế mới do Tổng thống Trump đề xuất là một sự điều chỉnh lớn, có thể làm thay đổi toàn diện chuỗi cung ứng, biến động giá cả và chiến lược địa chính trị toàn cầu. Các đối tác thương mại của Mỹ có thể sẽ phải chịu thêm chi phí thuế từ 36 tỷ USD đến 149 tỷ USD.
Động thái này của ông Trump đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia. Liên minh châu Âu đã lên tiếng cảnh báo rằng họ có thể thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn, trong đó có việc tăng cường kiểm soát đối với các công ty công nghệ Mỹ, sau khi trước đó đã tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp đáp trả đối với thuế thép và nhôm mà Mỹ ban hành.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho rằng việc Mỹ áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Australia là “không có cơ sở hợp lý”. Ông cho rằng Australia sẽ không tham gia vào các biện pháp trả đũa, vì điều đó chỉ làm gia tăng chi phí hàng hóa và kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tại Mexico và Canada, nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi hai quốc gia này không bị ảnh hưởng bởi đợt áp thuế mới từ phía Mỹ. “Đây là một tin tích cực cho đất nước,” chuyên gia kinh tế thương mại Luis de la Calle của Mexico nhận định. “Việc này giúp chúng tôi duy trì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.”
Tuy vậy, các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng Mexico và Canada không nên quá chủ quan, bởi cả hai quốc gia vẫn đang phải gánh chịu nhiều loại thuế mới được áp dụng trong thời gian gần đây.
Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết: “Tổng thống Trump vẫn duy trì một số yếu tố then chốt trong quan hệ song phương giữa hai nước.” Nhưng, ông cũng lưu ý rằng các mức thuế liên quan đến hoạt động kiểm soát fentanyl vẫn đang có hiệu lực, và Canada sẽ triển khai các biện pháp đối phó để phản ứng với chính sách này.
Nhiều nhà quan sát cho rằng hiện nay, một xu hướng rõ rệt là ngày càng có nhiều quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ cảm thấy cần phải tự bảo vệ mình trước các hành động từ Washington. Diễn biến này có thể làm thay đổi đáng kể các mối quan hệ quốc tế cũng như định hình lại trật tự toàn cầu trong tương lai.
Không ít người đặt ra nghi vấn về mục tiêu thực sự đằng sau các biện pháp áp thuế mà Tổng thống Trump đưa ra. Có thời điểm, ông khẳng định mục đích là để buộc các doanh nghiệp, trong đó có các nhà sản xuất ô tô và dược phẩm, đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Những phát biểu khác, ông lại cho rằng việc áp thuế nhằm khắc phục sự mất cân bằng trong thương mại hoặc để bù đắp cho khoản giảm thuế trong nước.
Với các đối tác toàn cầu của Mỹ, việc làm rõ mục tiêu thực sự của các biện pháp thuế mà Tổng thống Trump theo đuổi là điều hết sức quan trọng. Nếu ông Trump nhằm xây dựng một hệ thống thương mại công bằng hơn, đây có thể là cơ sở để bắt đầu các cuộc đàm phán. Ví dụ, châu Âu có thể điều chỉnh mức thuế đối với ô tô như một cách gây áp lực, buộc chính quyền Trump phải có những bước đi mềm mỏng hơn.
Nhưng, nếu mục đích của ông Trump là để tăng nguồn thu cho ngân sách Mỹ, thì đây sẽ là một trở ngại lớn hơn đối với các đối tác thương mại. Khi đó, để đạt được một thỏa thuận nhằm giảm bớt thuế quan, các nước có thể sẽ phải chấp nhận thiệt hại về mặt doanh thu trong quan hệ thương mại với Mỹ.
Trước bối cảnh khó lường, các đối tác của Mỹ đang nỗ lực tìm hiểu và dự đoán những diễn biến tiếp theo, đồng thời đưa ra các phản ứng một cách thận trọng và có tính toán.
Châu Âu, chẳng hạn, đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn so với nhiều nền kinh tế khác khi công bố kế hoạch áp thuế trả đũa đối với rượu whisky, xe máy, hàng nông sản cùng nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp lại việc Mỹ đánh thuế lên thép và nhôm. Dù vậy, EU đã quyết định tạm hoãn thực thi các biện pháp này cho đến giữa tháng Tư, và hiện tại, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa công bố rõ cách thức phản ứng với loạt thuế mới nhất từ phía Washington.
Thay vì hành động vội vàng, các quan chức Liên minh châu Âu đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả mạnh mẽ. Trong đó có việc sử dụng một công cụ mới được thiết kế để cho phép EU nhanh chóng áp đặt các hình thức trừng phạt như thuế quan hoặc giới hạn quyền tiếp cận thị trường đối với các tập đoàn công nghệ của Mỹ.
Mục đích của những bước đi này là nhằm tạo ra lợi thế chiến lược trong quá trình đàm phán với Mỹ. Các nước EU đang tìm cách khai thác sức mạnh của thị trường tiêu dùng rộng lớn trong khối gồm 27 thành viên như một công cụ gây sức ép, buộc Washington phải đối thoại. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này gặp không ít trở ngại do những yếu tố địa chính trị phức tạp, bao gồm vấn đề chi tiêu quốc phòng và các quy định về chia sẻ công nghệ giữa các bên.
Vấn đề được đặt ra lúc này là châu Âu sẽ phản ứng nhanh hay chậm trước các động thái mới từ phía Mỹ. Các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ rõ mong muốn được nghiên cứu kỹ lưỡng các biện pháp thuế quan mới nhất do chính quyền Tổng thống Trump đưa ra trước khi đưa ra quyết định hành động cụ thể.
“Họ không muốn làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, mà chỉ mong muốn thúc đẩy tiến trình đạt được các thỏa thuận,” ông Mujtaba Rahman, Giám đốc khu vực châu Âu của Eurasia Group một tổ chức nghiên cứu chính trị – nhận định. Dù vậy, nguy cơ leo thang vẫn hiện hữu, và nếu kịch bản này xảy ra, châu Âu sẽ buộc phải triển khai các biện pháp đáp trả, bao gồm việc áp dụng các hạn chế đối với hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn được xem là nền tảng vững chắc trong nhiều năm qua.
“Muốn thu hút sự chú ý từ chính quyền Tổng thống Trump, bạn buộc phải thể hiện sức mạnh kinh tế của mình,” ông nói.
Về phía Tổng thống Trump, ông tỏ rõ quyết tâm theo đuổi chính sách thuế quan vào thời điểm mà ông gọi là “ngày giải phóng.” Ông bày tỏ kỳ vọng: “Hy vọng rằng, sau nhiều năm nữa, mọi người sẽ nhìn lại và nói ‘Ông ấy đã đúng, đây thực sự là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.’”
Trái với quan điểm lạc quan, ông David Rosenberg, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Rosenberg, cho rằng đây chính là thời điểm cuộc “chiến tranh thương mại toàn cầu” chính thức nổ ra. Theo ông, diễn biến này sẽ không mang lại điều gì tích cực cho nền kinh tế thế giới và có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.