Tổng thống Trump ngày càng bày tỏ sự thất vọng trước tiến trình đàm phán kéo dài và việc Nga liên tục gia tăng các cuộc tấn công vào Ukraine, đồng thời để ngỏ khả năng rút lui khỏi nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột.
“Tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra với ông Putin. Trong khi các bên vẫn đang đối thoại, ông ấy lại cho phóng tên lửa vào Kiev và nhiều thành phố khác, khiến nhiều người thiệt mạng. Điều đó khiến tôi thực sự không hài lòng,” Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với phóng viên ngày 25/5, trước khi rời New Jersey lên chuyên cơ Không lực Một trở về thủ đô Washington.
Phát biểu mới nhất của ông Trump về Tổng thống Nga Vladimir Putin được đưa ra trong bối cảnh Nga liên tục triển khai các đợt tấn công quy mô lớn bằng hàng trăm UAV và tên lửa nhằm vào nhiều thành phố của Ukraine. Đợt không kích dữ dội này diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc điện đàm kéo dài hai giờ đồng hồ giữa ông Trump và ông Putin, mà ông Trump mô tả là “rất tuyệt vời”, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào khả năng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa các bên.
“Tôi có mối quan hệ tốt với Tổng thống Nga Putin, nhưng dường như đã có điều gì đó thay đổi ở ông ấy,” ông Trump viết. “Ông ấy đang gây ra thương vong lớn khi liên tục phóng tên lửa vào các thành phố Ukraine mà không có lý do chính đáng.” Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo rằng Nga sẽ phải gánh hậu quả nặng nề nếu ông Putin thực sự nuôi tham vọng kiểm soát toàn bộ Ukraine, thay vì chỉ một phần lãnh thổ.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump công khai thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với Tổng thống Nga cũng như tốc độ chậm chạp của tiến trình đàm phán. Trước đó vào tháng 3, ông từng bày tỏ sự “phẫn nộ” khi ông Putin từ chối đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày do phía Mỹ đưa ra.
Vào tháng 4, sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào Kiev, ông Trump đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Putin “chấm dứt hành động này”. Sau đó, ông bày tỏ hoài nghi về thiện chí của nhà lãnh đạo Nga, cho rằng “có lẽ ông ấy không thực sự muốn kết thúc cuộc xung đột”.
Tổng thống Mỹ cũng thể hiện rõ sự thất vọng trước tiến độ chậm chạp của các nỗ lực hòa bình, dù trước đó ông từng tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự chỉ trong 24 giờ sau khi nắm quyền. Đầu tháng này, ông đã gia tăng sức ép đối với cả Nga và Ukraine nhằm thúc đẩy việc khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp.
Vào giữa tháng, phái đoàn Nga và Ukraine đã có cuộc gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu lần đầu tiên hai bên chính thức trở lại bàn đàm phán kể từ tháng 3/2022, thời điểm trước khi tiến trình hòa giải sụp đổ chỉ một tháng sau đó. Nhưng, cuộc gặp lần này chỉ dẫn đến việc thực hiện một cuộc trao đổi tù binh quy mô lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra, mà chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn như kỳ vọng.
Nga tuyên bố hài lòng với kết quả cuộc trao đổi tù binh và khẳng định sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Ukraine. Ngược lại, Kiev bày tỏ sự không hài lòng, cho rằng Moskva đã đưa ra các điều kiện “không thể chấp nhận được”. Sau đó, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, song hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
“Ông Trump đã bày tỏ rõ mong muốn chứng kiến hai bên đạt được một thỏa thuận hòa bình,” Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ vẫn “để ngỏ mọi phương án” phát biểu được cho là ám chỉ khả năng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Sau những phát biểu chỉ trích mới nhất nhằm vào Tổng thống Putin, khi được hỏi liệu có cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga hay không, ông Trump đáp: “Chắc chắn rồi,” nhưng không cung cấp thêm chi tiết cụ thể.
Tuy vậy, theo giới quan sát, mặc dù các đồng minh châu Âu nhiều lần kêu gọi Washington phối hợp gia tăng sức ép nhằm buộc Nga chấm dứt xung đột, Tổng thống Mỹ vẫn thường chọn cách rút lui vào thời điểm cần đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến việc áp đặt trừng phạt đối với Moskva.
“Cho đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ông Trump sẵn sàng sử dụng các biện pháp gây áp lực kinh tế mạnh mẽ nhằm buộc Điện Kremlin phải điều chỉnh lập trường đàm phán cứng rắn của họ,” nhà phân tích Matthew Chance của CNN nhận định.
Phản hồi trước câu hỏi liên quan đến phát biểu của ông Trump về Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/5 cho rằng Tổng thống Mỹ có vẻ đã “phản ứng một cách quá cảm tính” trước tiến trình đàm phán mà theo ông, đã được khởi động nhờ nỗ lực thúc đẩy từ phía Washington.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov không trực tiếp chỉ trích Tổng thống Trump, mà cho rằng bất kỳ ai cũng có thể bị chi phối bởi cảm xúc trong bối cảnh tiến trình đàm phán phức tạp hiện nay. Ông đồng thời ghi nhận vai trò tích cực của các quan chức Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Trump, trong việc hỗ trợ khởi động các cuộc đối thoại hòa bình liên quan đến Ukraine.
Nhưng, theo nhà phân tích Matthew Chance của CNN, những tuyên bố gần đây cho thấy ông Trump đã không còn che giấu sự thất vọng đối với Tổng thống Putin. Một số nguồn tin thân cận tiết lộ, Tổng thống Mỹ thậm chí đang cân nhắc khả năng từ bỏ các nỗ lực thúc đẩy giải pháp chấm dứt xung đột nếu những hành động của ông tiếp tục không mang lại kết quả cụ thể.
“Trong khi phía Nga vẫn chưa tỏ dấu hiệu đồng thuận với một lệnh ngừng bắn, thì ông Trump có vẻ ngày càng nghiêng về khả năng từ bỏ nỗ lực này. Điều đó khiến Mỹ dần thể hiện lập trường bớt kiên quyết trong việc hậu thuẫn Ukraine,” ông Ian Bremmer, Chủ tịch công ty tư vấn địa chính trị Eurasia Group có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Trong chiến dịch tranh cử và những tháng đầu nhiệm kỳ, ông Trump từng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chấm dứt xung đột tại Ukraine, nhưng hiện tại quan điểm của ông đang dần thay đổi. Theo một số nguồn tin có mặt tại buổi gặp mặt với các nhà tài trợ hàng đầu tại câu lạc bộ riêng ở bang Florida đầu tháng này, Tổng thống Mỹ thừa nhận rằng nỗ lực nhằm kết thúc cuộc xung đột Nga – Ukraine ngày càng khiến ông cảm thấy thất vọng và trăn trở.
Tuy nhiên, trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo Đức, Pháp, Italy, Phần Lan cùng đại diện Ủy ban châu Âu vào giữa tháng, ông Trump khẳng định không có ý định sử dụng các biện pháp gây áp lực hay áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay đối với Nga.
“Một quan chức am hiểu nội dung cuộc trao đổi cho biết, về cơ bản, ông ấy đã nói ‘tôi không còn liên quan’.”
Quan chức này cũng cho biết thêm rằng Tổng thống Mỹ đã bày tỏ rõ ràng ý định rút lui khỏi cuộc xung đột, tương tự như tuyên bố công khai trước đó của Phó Tổng thống JD Vance rằng “chúng tôi sẵn sàng rút lui.”
“Làn sóng bạo lực mới nhất tại Ukraine có thể khiến Tổng thống Mỹ cảm thấy rằng việc đưa các bên tham chiến trở lại bàn đàm phán trong thời gian gần là điều không khả thi. Giữa những bất đồng và thất vọng kéo dài, ông Trump có thể đơn giản quyết định rút lui,” nhà phân tích Chance nhận xét.