Trung Quốc vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong bối cảnh gặp không ít trở ngại từ cả trong lẫn ngoài nước, tương đương với năm trước.
Ngày 5/3, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thông báo mục tiêu tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2025 vào khoảng 5%, tương đương mức của năm trước.
Alex Loo – chuyên gia chiến lược vĩ mô và ngoại hối tại TD Securities, đánh giá rằng việc đạt được mục tiêu này sẽ là thách thức lớn đối với giới chức Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều áp lực từ cả trong lẫn ngoài nước.
Thủ tướng Trung Quốc cũng thừa nhận rằng “tiêu dùng đang chững lại, trong khi thị trường việc làm và tăng trưởng thu nhập chịu nhiều áp lực”. Ông cam kết sẽ đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong các hộ gia đình.
“Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nhiều thách thức, có thể gia tăng áp lực đối với các lĩnh vực như thương mại, khoa học và công nghệ của Trung Quốc”, ông nói.
Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất trên thế giới gần đây là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng nhiều mức thuế nhập khẩu đối với các đối tác thương mại. Cụ thể, hàng hóa từ Trung Quốc chịu mức thuế bổ sung 20%. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền ông Trump đã áp thuế 25% lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa từ quốc gia này.
Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức hơn, từ sự sụt giảm trong tiêu dùng nội địa đến cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, khiến Bắc Kinh trở nên dễ bị ảnh hưởng hơn. Do đó, giới chức nước này đang chịu áp lực phải đẩy mạnh các biện pháp kích thích nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư.
Trung Quốc đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách năm nay ở mức 4% GDP, nhỉnh hơn so với mức 3% của năm trước. Bên cạnh đó, mục tiêu lạm phát được đặt ở mức 2%.
Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch phát hành 1.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 179 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt kỳ hạn siêu dài trong năm nay, tăng so với 1.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2024. Trong đó, khoảng 300 tỷ nhân dân tệ sẽ được phân bổ để mở rộng chương trình hỗ trợ người dân mua xe điện, thiết bị gia dụng và một số mặt hàng khác.
Hiện tại, tiêu dùng chỉ chiếm chưa đến 40% GDP của Trung Quốc, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của đầu tư lại cao hơn mức trung bình thế giới khoảng 20%.
Thủ tướng Lý Cường cam kết thu hẹp chênh lệch giữa nguồn cung và nhu cầu tiêu dùng, đồng thời thực hiện cải cách tài khóa nhằm tăng nguồn thu cho chính quyền địa phương và chuyển trọng tâm kích thích sang khu vực hộ gia đình. Theo kế hoạch, chính quyền địa phương sẽ được phép phát hành 4.400 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt, cao hơn mức 3.900 tỷ nhân dân tệ của năm trước. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng dự kiến phát hành 500 tỷ nhân dân tệ trái phiếu để hỗ trợ tái cấp vốn cho các ngân hàng quốc doanh lớn.
“Bắc Kinh dường như chưa muốn mở rộng chi tiêu ngay lập tức do lo ngại tác động từ thuế nhập khẩu. Họ có thể đang giữ lại các công cụ chính sách để sử dụng trong năm nay”, Charu Chanana – chiến lược gia đầu tư tại Saxo Bank cho biết.
Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 5%, hoàn thành mục tiêu đề ra, nhờ các biện pháp kích thích được triển khai vào cuối năm. Đây cũng là một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.