Phần lớn quốc gia tìm cách thương lượng để né thuế đối ứng từ Mỹ; Trung Quốc, Canada đã đáp trả, còn EU vẫn đang tính toán.
Từ 0h01 ngày 9/4 (giờ Mỹ), Hoa Kỳ chính thức áp dụng mức thuế đối ứng mới, với thuế suất lên đến 84% đối với một số đối tác thương mại lớn. Trước đó, từ cuối tuần qua, một mức thuế chung 10% đã được triển khai đối với hàng hóa xuất khẩu từ hơn 180 nền kinh tế vào thị trường Mỹ.
Theo biểu thuế mới, các mặt hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ phải chịu mức thuế từ 20% đến 26%. Riêng Việt Nam bị áp mức thuế cao hơn, ở mức 46%. Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức thuế lên tới 84%, nâng tổng thuế bổ sung mà nước này phải đối mặt trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump lên 104%.
Trong vài ngày qua, nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn tiến hành đàm phán nhằm tránh các biện pháp thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành. Vào ngày 8/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, cho biết đã có hơn 70 quốc gia chủ động liên hệ với Nhà Trắng để khởi động các cuộc đàm phán. Theo lời ông Bessent, các mức thuế đối ứng hiện tại được xem là “mức trần” mà Mỹ áp dụng, và hoàn toàn có thể được điều chỉnh giảm nếu các đối tác thương mại đáp ứng được các yêu cầu mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra.
Nhìn chung, phần lớn các bên liên quan đều đưa ra những đề xuất nhằm giảm căng thẳng, bao gồm việc thảo luận về điều chỉnh thuế, tiến tới các thỏa thuận thương mại mới, hoặc tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Một số quốc gia thậm chí đã cử phái đoàn đến Washington để trực tiếp tham gia đàm phán.

Hiện tại, Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước chính sách thuế quan mới của Mỹ. Bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo sẽ áp thuế bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/4. Động thái này đã dẫn đến quyết định cứng rắn hơn từ phía Tổng thống Donald Trump, khi ông tuyên bố tăng thêm 50% thuế đối ứng đối với hàng hóa Trung Quốc, nâng tổng mức lên 84%.
Tính từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đến nay, tổng mức thuế mà Mỹ áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc đã lên tới 104%.
Chỉ một ngày trước khi Mỹ chính thức áp thuế bổ sung, Tổng thống Donald Trump vẫn bày tỏ hy vọng sẽ nhận được phản hồi và một cuộc gọi từ phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không phát đi bất kỳ tín hiệu nào cho thấy sẽ nhượng bộ, mà ngược lại liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn.
Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này sẽ “đáp trả đến cùng” nếu Mỹ tiếp tục nâng thuế thêm 50%. Sau đó, trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng tái khẳng định rằng Bắc Kinh hoàn toàn tự tin vào khả năng duy trì đà tăng trưởng kinh tế một cách ổn định và bền vững. Theo ông, Trung Quốc sở hữu đầy đủ các công cụ và chính sách cần thiết để đối phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
rước diễn biến căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ, Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong vòng 19 tháng, được xem là một trong những biện pháp phản ứng trước áp lực thuế quan từ Washington.
Trong khi đó, Canada cũng có động thái đáp trả mạnh mẽ. Cuối tuần trước, nước này thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với toàn bộ ôtô có xuất xứ từ Mỹ, ngoại trừ các xe được hưởng ưu đãi theo Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), bắt đầu từ ngày 6/3. Trước đó, vào tháng 2, chính phủ Canada đã công bố kế hoạch áp thuế theo từng giai đoạn, với tổng giá trị khoảng 116 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tùy thuộc vào các bước đi tiếp theo của Tổng thống Trump. Tính đến nay, Ottawa đã hai lần triển khai biện pháp áp thuế đáp trả, với tổng giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng lên tới gần 25 tỷ USD.
Liên minh châu Âu (EU) hiện cũng đang gấp rút xây dựng các biện pháp ứng phó trước chính sách thuế quan mới từ phía Mỹ. Trong ngày hôm nay, các quốc gia thành viên EU sẽ tiến hành bỏ phiếu để thông qua kế hoạch áp thuế đáp trả đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Mỹ. Dự kiến trong tuần tới, EU sẽ công bố các mức thuế được đánh giá là “tương xứng”, bao gồm cả thuế đối với ôtô Mỹ.
Tuy nhiên, dù đã chuẩn bị sẵn các biện pháp phản ứng, EU vẫn nhấn mạnh lập trường ưu tiên đối thoại. Khối này tiếp tục kêu gọi các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán nhằm tránh làm leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu.