Việc Trung Quốc – quốc gia cung cấp đến 90% lượng đất hiếm trên thế giới thắt chặt hoạt động xuất khẩu đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn khoáng sản quan trọng này trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 4/4, Trung Quốc thông báo áp mức thuế nhập khẩu 34% như một biện pháp đáp trả chính sách thuế đối ứng mới từ phía Mỹ áp dụng với toàn bộ các đối tác thương mại. Cùng thời điểm, Bộ Thương mại nước này cũng đưa thêm 16 doanh nghiệp Mỹ vào danh sách chịu hạn chế xuất khẩu, đồng thời siết chặt kiểm soát đối với 7 loại đất hiếm có vai trò quan trọng trên quy mô toàn cầu.
Đất hiếm là nguyên liệu thiết yếu, hiện diện trong hầu hết các sản phẩm công nghệ hiện đại, từ ô tô, chip bán dẫn cho đến thiết bị quân sự. Do tầm quan trọng chiến lược này, vào tháng 5/2024, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt kế hoạch đến năm 2030 sẽ tự chủ trong sản xuất loại vật liệu này. Theo dự báo, nhu cầu đất hiếm của EU sẽ tăng gấp 6 lần trong thập niên hiện tại và có thể tăng đến 7 lần vào năm 2050.
Theo thông tin từ Reuters, hoạt động xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã bị đình trệ kể từ ngày 4/4, gây ra lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung đất hiếm bên ngoài quốc gia này. Theo quy định, các doanh nghiệp Trung Quốc phải nộp đơn xin phép xuất khẩu lên Bộ Thương mại, và quá trình phê duyệt có thể mất từ 6 đến 7 tuần, thậm chí có thể kéo dài hàng tháng. Tờ New York Times cho biết chính quyền Bắc Kinh hiện vẫn chưa thiết lập quy trình cấp phép chính thức.
Tháng trước, Reuters cũng đưa tin rằng Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu antimony sang Liên minh châu Âu kể từ khi đưa kim loại này vào danh sách các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu từ tháng 9/2024.
Một nhà buôn đất hiếm Trung Quốc chia sẻ với Reuters: “Khách hàng của tôi hỏi khi nào hàng có thể rời Trung Quốc, chúng tôi chỉ có thể ước tính là khoảng 60 ngày. Nhưng, thời gian thực tế có thể dài hơn thế.”
Nếu việc ngừng xuất khẩu kéo dài hơn 2 tháng, kho dự trữ của các khách hàng ngoài Trung Quốc có thể sẽ cạn kiệt. Trung Quốc hiện chiếm 90% nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Dù các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn cung thay thế, nhưng quá trình này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian.
Theo nguồn tin của Reuters, một số nhà cung cấp đất hiếm tại Trung Quốc đã phải áp dụng điều khoản bất khả kháng trong các hợp đồng với khách hàng quốc tế. Các lô hàng hiện vẫn bị giữ tại cảng do thủ tục hải quan chưa hoàn tất. Tính đến nay, chưa rõ có bao nhiêu lô hàng bị ảnh hưởng bởi chính sách siết chặt xuất khẩu này.
Michael Silver, Chủ tịch kiêm CEO của công ty hóa chất American Elements (Los Angeles), cho biết đối tác của họ thông báo rằng sẽ mất khoảng 45 ngày để được cấp giấy phép xuất khẩu đất hiếm. Để đối phó với căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, doanh nghiệp này đã tăng cường dự trữ đất hiếm từ mùa đông năm ngoái. Lượng dự trữ hiện tại của họ vẫn đủ để đáp ứng các đơn hàng hiện hành trong khi chờ giấy phép xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ không dự trữ đất hiếm vì chi phí quá cao. Ví dụ, dysprosium oxide – một loại đất hiếm nằm trong diện kiểm soát xuất khẩu – hiện có giá khoảng 204 USD mỗi kg tại Thượng Hải, và giá này còn cao hơn rất nhiều ở các thị trường ngoài Trung Quốc.
Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát đối với đất hiếm trong nhiều năm qua. Vào tháng 6/2024, chính phủ Trung Quốc công bố một loạt quy định mới nhằm bảo vệ nguồn cung đất hiếm vì lý do an ninh quốc gia. Các quy định này yêu cầu thiết lập hệ thống theo dõi thông tin về đất hiếm, đồng thời các doanh nghiệp khai thác, chế biến, phân tách và xuất khẩu đất hiếm phải thực hiện quy trình tương tự, ghi chép “trung thực” các bước thực hiện và cập nhật thông tin vào hệ thống quốc gia. Mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới hiện nay, với trữ lượng khổng lồ, nằm tại Giang Tây, Trung Quốc.