Tổng thống Trump cho rằng Thống đốc California Gavin Newsom đáng bị bắt vì cách xử lý tình hình bất ổn tại Los Angeles, song nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về khả năng điều này có thể xảy ra.
Căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và bang California tiếp tục leo thang, sau khi lực lượng thuộc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) tiến hành bắt giữ hàng chục người nhập cư không có giấy tờ tại nơi làm việc ở Los Angeles, châm ngòi cho các cuộc biểu tình quy mô lớn.
Tổng thống Trump công khai chỉ trích năng lực điều hành của Thống đốc Gavin Newsom trong bối cảnh các cuộc biểu tình và xung đột ngày càng gia tăng. Phát biểu hôm 9/6, ông Trump tuyên bố rằng nếu ông là “trùm biên giới” Tom Homan, ông sẽ ra lệnh bắt giữ Newsom.
“Nếu tôi là Tom, tôi sẽ làm vậy. Tôi nghĩ đó sẽ là một điều tuyệt vời,” ông Trump phát biểu.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, đề xuất của ông Trump khó trở thành hiện thực do vướng mắc cả về mặt pháp lý lẫn tính khả thi trong thực tế.
Hiến pháp Mỹ quy định ba nhánh quyền lực riêng biệt gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tổng thống là người đứng đầu nhánh hành pháp, nhưng không có quyền tự ý ra lệnh bắt giữ. Việc bắt giữ chỉ được thực hiện khi có lệnh từ tòa án, trừ trường hợp bắt quả tang hành vi phạm pháp.
Bên cạnh đó, theo nguyên tắc liên bang, mỗi bang có quyền tự trị tương đối, và Tổng thống không thể can thiệp trực tiếp vào các vấn đề nội bộ của bang, trừ khi có hành vi vi phạm luật liên bang. Ngay cả khi đó, việc can thiệp cũng phải tuân thủ các thủ tục pháp lý nghiêm ngặt.
Khi được hỏi Thống đốc Newsom đã vi phạm điều gì để có thể bị bắt giữ, Tổng thống Trump trả lời: “Tôi cho rằng ‘tội lớn nhất’ của ông ta là làm Thống đốc, bởi ông ấy làm công việc đó quá tệ.”
Ông Trump cũng chỉ trích dự án đường sắt cao tốc mà ông Newsom ủng hộ tuyến kết nối Los Angeles và San Francisco khi nói: “Các bạn hãy nhìn vào tuyến đường sắt bé nhỏ ông ấy đang xây dựng.” Ông cho rằng dự án này đã bị đội vốn nghiêm trọng, “vượt hơn 100 lần so với dự tính ban đầu.”
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng việc Thống đốc Newsom “làm việc kém” không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Hiệu quả của một quan chức được bầu như Newsom là điều sẽ do cử tri quyết định tại các kỳ bầu cử. Ông hiện đã hoàn thành hai nhiệm kỳ và được cho là đang cân nhắc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2028.
“Không có bằng chứng nào cho thấy Thống đốc Newsom đã làm điều gì trái pháp luật,” cây bút chính trị Steve Benen từ MSNBC cho biết.
Thống đốc Gavin Newsom lên án phát ngôn của Tổng thống Trump, cho rằng đó là một “bước đi sai lầm” có nguy cơ dẫn đến “chủ nghĩa chuyên quyền”. “Tổng thống vừa công khai kêu gọi bắt giữ một Thống đốc đương nhiệm. Đây là điều mà tôi từng hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra trên đất Mỹ,” ông Newsom viết trên nền tảng X.

Trong khi đó, một số quan chức Nhà Trắng cho rằng ông Trump hoàn toàn nghiêm túc với tuyên bố về việc bắt giữ Newsom. “Không ai, kể cả quan chức dân cử, được đứng ngoài vòng pháp luật,” một quan chức nói với Washington Post. “Nếu ông Newsom cản trở hoạt động của lực lượng chấp pháp liên bang, ông ấy có thể phải đối mặt với hậu quả.”
Tổng thống Trump, với tư cách là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, có quyền điều động quân đội, bao gồm cả Thủy quân lục chiến. Ông đã viện dẫn một đạo luật ít khi được áp dụng Đạo luật Mục 10 cho phép liên bang tiếp quản quyền chỉ huy Vệ binh Quốc gia từ tay các bang trong trường hợp xảy ra “nổi loạn hoặc đe dọa nổi loạn chống lại chính quyền”, để triển khai lực lượng này tại Los Angeles.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn có Đạo luật Posse Comitatus, quy định cấm sử dụng quân đội làm công cụ thực thi pháp luật trong nước chẳng hạn như bắt giữ công dân nếu không có sự cho phép rõ ràng từ Quốc hội. Vì vậy, lực lượng Vệ binh Quốc gia chỉ được phép hỗ trợ ICE thực hiện nhiệm vụ và bảo vệ các tài sản thuộc liên bang.
“Chưa từng có tiền lệ nào về việc bắt một thống đốc chỉ vì bất đồng chính sách giữa bang và chính quyền liên bang,” Erwin Chemerinsky, Trưởng khoa Luật tại Đại học California, Berkeley, nói với Los Angeles Times ngày 9/6.
Ông dẫn lại thời điểm giữa thế kỷ 20, khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng phân biệt chủng tộc trong trường học là vi hiến. “Ngay cả khi các thống đốc miền Nam tìm cách cản trở việc chấm dứt phân biệt chủng tộc, các tổng thống lúc đó cũng không ra lệnh bắt họ,” ông nói thêm.
Thay vào đó, các thống đốc bang chủ yếu chịu trách nhiệm trước pháp luật của bang và cử tri địa phương. Tương tự như chính quyền liên bang, cơ quan lập pháp cấp bang cũng có cơ chế luận tội nếu thống đốc bị cáo buộc có hành vi sai trái.
Riêng tại California, cử tri có quyền phát động quy trình bãi nhiệm thống đốc nếu đơn kiến nghị đáp ứng điều kiện cụ thể là số chữ ký hợp lệ đạt ít nhất 12% tổng số cử tri tham gia cuộc bầu cử gần nhất. Sau đó, một cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức để quyết định việc bãi nhiệm, đồng thời chọn người thay thế. Nếu đa số cử tri bỏ phiếu “đồng ý”, thống đốc đương nhiệm sẽ bị miễn nhiệm, và ứng viên có số phiếu cao nhất sẽ tiếp quản vị trí này.
Bang California từng tiến hành hai cuộc bầu cử bãi nhiệm đối với chức vụ thống đốc. Năm 2003, ông Gray Davis thuộc đảng Dân chủ trở thành thống đốc đầu tiên bị bãi nhiệm thông qua hình thức này, và được thay thế bởi ông Arnold Schwarzenegger của đảng Cộng hòa. Đến năm 2021, Thống đốc Gavin Newsom cũng từng bị đưa ra bỏ phiếu bãi nhiệm, nhưng đã vượt qua và giữ vững vị trí.
Kể từ khi ông Trump quay lại Nhà Trắng, Thống đốc Gavin Newsom thuộc đảng Dân chủ đã chọn cách phản ứng mềm mỏng, tránh đối đầu trực tiếp với Tổng thống Cộng hòa. Tuy nhiên, với sự khác biệt rõ rệt về lập trường chính trị, các nhà quan sát từ lâu đã dự đoán quan hệ giữa hai người sẽ sớm căng thẳng như hiện tại.
“Đó là mối quan hệ mang tính tương hỗ,” David Axelrod, cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama, nhận xét, đồng thời cho rằng cả Trump và Newsom đều là “những chính trị gia linh hoạt, biết tận dụng dư luận”. “Cuối cùng, Newsom vẫn muốn tranh cử tổng thống, và để làm được điều đó, ông ấy phải thể hiện rõ vai trò là đại diện của đảng Dân chủ. Khi bị thách thức, chắc chắn ông ấy sẽ lên tiếng.”
Thống đốc Gavin Newsom cho rằng Tổng thống Trump đã vượt qua một ranh giới không thể đảo ngược.
“Ông ấy đe dọa sẽ bắt tôi. Đó là giới hạn mà một khi đã vượt qua thì không thể quay lại,” ông Newsom nói. “Tôi có đủ thẩm quyền theo hiến pháp để hợp tác với tất cả mọi người, kể cả những người kêu gọi bắt giữ tôi. Vì vậy, tôi vẫn giữ vững lập trường của mình.”
Ông Tom Homan, người được gọi là “trùm biên giới”, dường như cũng nhận thấy những giới hạn pháp lý trong tuyên bố dọa bắt Thống đốc Newsom mà Tổng thống Trump đưa ra. Trong cuộc phỏng vấn với CBS News ngày 9/6, ông tiếp tục bác bỏ thông tin rằng Thống đốc California sẽ bị bắt giữ.
“Mọi chuyện đã bị hiểu sai khỏi bối cảnh,” Homan nói. “Bất kỳ ai dù là thống đốc, thị trưởng hay quan chức nào nếu vượt qua giới hạn và cản trở đặc vụ ICE thi hành nhiệm vụ, họ có thể bị truy tố. Nhưng hiện tại, các quan chức California vẫn chưa vượt qua ranh giới đó.”