Cuộc họp gần đây giữa ông Tập và các doanh nhân có sự thay đổi đáng kể về danh sách tham dự cũng như vị trí sắp xếp chỗ ngồi so với năm 2018, thời điểm Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh.
Năm 2018, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức một cuộc họp hiếm hoi với giới doanh nhân tại Bắc Kinh, những gương mặt xuất hiện ở hàng ghế đầu đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng phần lớn không phải những nhân vật quá quen thuộc.
Bảy năm sau, danh sách và vị trí sắp xếp có sự thay đổi đáng kể. Vào thứ Hai (17/2), ông Tập đã triệu tập một nhóm đại diện tiêu biểu từ khu vực tư nhân, bao gồm các nhà sáng lập của BYD, Huawei, Alibaba, Tencent, Xiaomi và startup AI DeepSeek.
Tại Đại lễ đường Nhân dân, Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc được sắp xếp chỗ ngồi đối diện ông Tập. Jack Ma (Alibaba) và Pony Ma (Tencent) hai doanh nhân từng chịu tác động lớn từ các biện pháp quản lý đối với khu vực tư nhân cũng có mặt ở hàng ghế đầu. Trong khi đó, Nhà sáng lập Meituan, Vương Hưng, ngồi ở hàng thứ hai.
Giới phân tích cho rằng danh sách tham dự và cách sắp xếp chỗ ngồi tại cuộc họp lần này phản ánh rõ ưu tiên của ông Tập dành cho khu vực tư nhân, trong bối cảnh tình hình đã có nhiều biến chuyển so với năm 2018. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh, thị trường bất động sản còn sôi động, và quan hệ với Mỹ chưa căng thẳng như hiện tại.
Hiện nay, Trung Quốc cần thúc đẩy khu vực tư nhân nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua hàng loạt thách thức lớn. Điều này bao gồm việc nâng cao năng lực công nghệ, củng cố chuỗi cung ứng, khôi phục động lực tăng trưởng trong nước, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và duy trì lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.

Trọng tâm đầu tiên là khả năng tự chủ công nghệ. Trong cuộc họp trước đây, dù Tencent và Baidu cũng góp mặt, nhưng không được xếp ở hàng ghế đầu. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Jack Ma người gần như rút lui khỏi công chúng sau khi Ant Group không thể IPO vào năm 2020 được nhiều ý kiến đánh giá là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang từng bước khôi phục vai trò của các doanh nghiệp công nghệ tư nhân.
Một nhân vật khác thu hút sự chú ý là Lương Văn Phong, nhà sáng lập DeepSeek công ty AI gây tiếng vang toàn cầu sau khi giới thiệu mô hình trí tuệ nhân tạo mới vào tháng trước. Các chuyên gia cho rằng việc lựa chọn các tập đoàn công nghệ lớn tham dự hội nghị lần này thể hiện rõ định hướng chiến lược của chính quyền trong việc ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghệ.
Theo Paul Triolo, chuyên gia chính sách công nghệ tại DGA-Albright Stonebridge Group (Mỹ), các doanh nhân được Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ lần này là đại diện cho những lĩnh vực công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc đang khuyến khích nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới.
Alfredo Montufar-Helu, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc thuộc tổ chức nghiên cứu The Conference Board (Mỹ), nhận định rằng mặc dù Bắc Kinh tiếp tục ưu tiên khu vực kinh tế nhà nước, nhưng các tín hiệu gần đây cho thấy sự ghi nhận vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, đặc biệt là nâng cao năng lực công nghệ nội địa. Ông cho rằng Trung Quốc đang tìm cách tận dụng động lực này để đẩy mạnh đổi mới và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ từ nước ngoài.
Christopher Beddor, Phó giám đốc Nghiên cứu về Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics (Hong Kong), cho rằng các đổi mới quan trọng thường xuất phát từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Ông cho rằng để duy trì khả năng cạnh tranh với Mỹ, chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho nhóm doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, việc củng cố nền kinh tế trong nước cũng là một trọng tâm. Nigel Green, Nhà sáng lập kiêm CEO tập đoàn tư vấn tài chính deVere Group (UAE), nhận xét rằng trong nhiều thập kỷ, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư do nhà nước định hướng và phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế.
Chiến lược này đã góp phần đưa nền kinh tế Trung Quốc vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nó cũng kéo theo những thách thức như gia tăng nợ, giảm hiệu suất và dư thừa công suất trong một số ngành trọng điểm.
Nói cách khác, các biện pháp kích thích tài khóa có thể thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng chưa thể giải quyết triệt để những hạn chế mang tính cấu trúc. Trong khi đó, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển có thể giúp duy trì động lực kinh tế bền vững thông qua việc nâng cao cạnh tranh, hiệu quả và đổi mới.
Theo số liệu chính thức, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 60% GDP, chiếm 70% trong lĩnh vực đổi mới công nghệ và tạo ra 80% việc làm tại khu vực thành thị. “Những doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển từ công nghệ tiêu dùng đến các giải pháp năng lượng bền vững”, ông nói.
Trong những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân đối diện với nhiều thách thức do các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, theo Alfredo Montufar-Helu từ The Conference Board. Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm lại, hạn chế dòng vốn đầu tư và ảnh hưởng đến thị trường lao động, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ, qua đó tác động đến nền kinh tế chung.
Theo giáo sư Xiaoyan Zhang, Phó Hiệu trưởng Trường Tài chính PBC tại Đại học Thanh Hoa, cuộc họp nhằm gửi đi tín hiệu về sự ghi nhận vai trò của khu vực tư nhân trong đổi mới và thúc đẩy tiêu dùng. “Tôi cho rằng mục tiêu của cuộc họp là giúp khu vực tư nhân nhận thức rõ rằng, vì sự ổn định và tăng trưởng, họ là một thành phần quan trọng của nền kinh tế”, bà nói.
Một trong những ưu tiên là khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và duy trì dòng vốn. Việc điều chỉnh chính sách theo hướng hỗ trợ khu vực tư nhân có thể góp phần củng cố lòng tin của giới đầu tư. “Các biện pháp quản lý trong các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục và bất động sản đã làm dấy lên lo ngại từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn”, ông Nigel Green nhận xét.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây, sau khi đạt mức cao nhất 344 tỷ USD vào năm 2021. Năm ngoái, FDI vào Trung Quốc thu hẹp vào thời điểm các doanh nghiệp trong nước cũng gia tăng đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, nhà đầu tư Trung Quốc đưa 173 tỷ USD vào thị trường quốc tế, trong khi dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc chỉ đạt 4,5 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 1992.
Việc triển khai các chính sách minh bạch, duy trì sự nhất quán trong quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính có thể góp phần củng cố niềm tin kinh doanh và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Các nhà đầu tư kỳ vọng vào một môi trường ổn định, nơi doanh nghiệp tư nhân có thể hoạt động mà không chịu tác động từ những điều chỉnh chính sách đột ngột hoặc các rào cản ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Nếu không thực hiện được các biện pháp phù hợp, Trung Quốc có thể đối mặt với tình trạng dòng vốn tiếp tục dịch chuyển ra nước ngoài, tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các dự án do nhà nước dẫn dắt, vốn có thể chưa đạt hiệu quả tối ưu.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp phát huy năng lực, duy trì niềm tin vào mô hình kinh tế và thị trường trong nước. Ông cũng nhấn mạnh cam kết tạo dựng môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Để thể hiện cam kết hỗ trợ khu vực tư nhân, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc dự kiến thảo luận về Dự luật thúc đẩy kinh tế tư nhân vào ngày 24-25/2, với khả năng cao sẽ được thông qua. Dự luật này hướng tới việc thiết lập khung pháp lý nhằm đảm bảo sự đối xử công bằng và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp tư nhân.
Theo Zhou Maohua tại Ngân hàng China Everbright, việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực tư nhân có thể góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và dễ dự đoán hơn. Điều này khuyến khích doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, từ đó đạt được những tiến bộ trong công nghệ.
Giáo sư Zhu Tian từ Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc – châu Âu tại Thượng Hải cho rằng hội nghị lần này cùng với dự luật mới có thể góp phần cải thiện tâm lý thị trường trong khu vực tư nhân. Ông cũng lưu ý rằng để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, cần có các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp nhằm ứng phó với những thách thức hiện tại.